Ra đời sau so với các khách sạn năm sao khác ở TPHCM, khách sạn Park Hyatt Saigon chọn một phong cách phục vụ riêng để tạo chỗ đứng trên thương trường.
Vào những ngày này, khi vào khách sạn Park Hyatt Saigon, gần Nhà hát Thành phố, sẽ thấy nhiều người đi theo một nhân viên mặc đồng phục màu đen. Họ đi khắp tầng trệt theo từng nhóm. Họ dừng lại trước một bức tranh treo trên tường, một cái bàn trưng bày những nhạc cụ truyền thống Việt Nam, một chiếc tủ kính đựng đồ gốm cổ, hoặc một gian phòng. Họ ngắm nhìn, chỉ trỏ và cười nói. Đó là những nhân viên của khách sạn đang giới thiệu với khách tham quan về cơ sở mới khai trương này.
Khách sạn Park Hyatt Saigon chính thức hoạt động từ ngày 15-7. Đây là khách sạn năm sao do Công ty Khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH (Việt Nam) sở hữu và được Tập đoàn Hyatt International (Mỹ) điều hành. Chủ đầu tư là một liên doanh gồm ba đối tác: Radiant Investment Limited (Malaysia), Công ty Kiến trúc và Kỹ thuật Sài Gòn (Việt Nam) và United Concord International Limited (Hồng Kông), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51:30:19.
Vì ra đời giữa lúc nhiều khách sạn năm sao khác đã hoạt đông khá lâu và ổn định, Park Hyatt Saigon sẽ phải có cách làm riêng để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh.
Một ngôi nhà Việt Nam
Park Hyatt Saigon nằm ở trung tâm thành phố (2 Công trường Lam Sơn, quận 1), mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, bên phải là Nhà hát Thành phố và nhiều khách sạn nổi tiếng, bên trái là đường Hai Bà Trưng. Nơi đây chỉ cách các điểm du lịch chính như chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP, Nhà thờ Đức Bà và dinh Thống Nhất khoảng 10-20 phút đi bộ.
Park Hyatt Saigon là tòa nhà chín tầng, màu trắng ngà. Mặt tiền mang nét kiến trúc Pháp, với những ô cửa sổ nhỏ. Khu vực phía trước khách sạn được trang trí bằng những vườn hoa sặc sỡ và hồ phun nước. Ở đây cũng có hai khu vực lộ thiên với bàn, ghế và mái che của một quầy bar và nhà hàng.
Sảnh khách sạn có hai cánh cửa chính bằng gỗ lắp kính, sàn bằng gỗ, và những cột bê tông có đường kính một người lớn ôm không hết. Tiếp đến là những chiếc bàn gỗ ở hai quầy tiếp tân và thông tin, trần nhà ngay hai cửa chính với một tấm kính cổ, và những bóng đèn tỏa ánh sáng màu vàng sậm, tạo cho khách cảm giác vừa hiện đại vừa cổ kính. Bên trong tòa nhà là một khung cảnh rất Việt Nam. Ở quầy bar, phòng họp, phòng khách và hành lang… đâu đâu cũng có tranh của các họa sĩ Việt Nam thể hiện đời sống và con người Việt Nam. Đó là hoàng hậu Nam Phương; những thiếu nữ mặc áo dài dạo vườn hoa ngày Tết; thiếu nữ rửa chén bên cầu ao trước mái nhà tranh; thiếu nữ bên bình hoa sen; cố đô Huế với chùa Thiên Mụ, sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền… Đặc biệt, phòng khách còn trưng bày những bức ảnh Sài Gòn xưa.
Giải thích vì sao tranh Việt Nam được sử dụng để trang trí, ông Jan Peter van der Ree, Tổng giám đốc Park Hyatt Saigon, nói rằng Park Hyatt Saigon nằm ở Việt Nam nên ông muốn khách được lưu trú trong một ngôi nhà Việt Nam, chứ không phải một ngôi nhà Mỹ hay Nhật. Nếu khách thấy khách sạn này như một ngôi nhà Mỹ thì họ sẽ chẳng cảm nhận được sự khác biệt nào khi đến thăm đất nước này. “Chúng tôi muốn khách sạn là một ngôi nhà Việt Nam, ngay tại đất nước Việt Nam”, ông nói.
Các nét văn hóa Việt Nam khác cũng hiện diện ở Park Hyatt Saigon. Chẳng hạn, nhân viên tiếp tân mặc quần đen và áo dài trắng như thời xưa. Những chiếc tủ gỗ giả cổ được chạm khắc hoa, lá, chim muông được để trống hay được dùng trưng bày đồ gốm cổ; những cái bàn trưng bày nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò và đàn tỳ bà; hay những bức tượng phác họa lão nông câu cá bên bụi tre được bày ở các tầng lầu.
Thu hút khách bằng những nét riêng
Theo ông van der Ree, đối tượng khách hàng của khách sạn là khách du lịch cao cấp và doanh nhân. Ông nói mình tin rằng với vị trí ngay trung tâm thành phố và phong cách độc đáo, Park Hyatt Saigon sẽ thu hút khách hàng và chiếm 30% thị phần của các khách sạn năm sao trong giai đoạn đầu và sẽ còn tăng trong thời gian sau đó.
Phong cách độc đáo của Park Hyatt Saigon, theo van der Ree, là dịch vụ cho cá nhân. Chẳng hạn, khi khách vừa bước qua cửa chính, ngay lập tức được nhân viên đón tiếp và đưa về tận phòng, còn hành lý sẽ được nhân viên phục vụ hành lý mang theo cùng. Tại phòng, khách sẽ làm thủ tục đăng ký lưu trú (check-in). Khách cũng có thể làm thủ tục tại quầy tiếp tân nếu muốn. Nếu một hay nhiều khách cũ trở lại khách sạn, họ được nhận ra ngay và được tiếp đón nồng hậu như những người bạn. “Nếu làm được điều đó cho khách, sẽ tạo được cơ hội và sự khác biệt”, van der Ree nói. “Các khách sạn khác khó làm được như vậy vì họ quá lớn. Họ không coi đó là ý định, còn chúng tôi thì khác”.
Theo van der Ree, khách sạn của ông nhỏ hơn các khách sạn năm sao khác nên sẽ có cách riêng để cạnh tranh. Những yếu tố cạnh tranh của Park Hyatt Saigon, ngoài sự chăm sóc cá nhân, còn là thức ăn ngon và không khí gia đình. Van der Ree cho biết khách sạn Park Hyatt đầu tiên ở vùng Đông Nam Á này sẽ cạnh tranh không chỉ ở TPHCM mà còn ở Việt Nam và trong khu vực.
Hiện khách sạn có hơn 400 nhân viên, với 15 người nước ngoài ở cương vị quản lý. Trong vòng sáu năm tới, số lượng nhân viên người nước ngoài sẽ giảm còn phân nửa và được thay thế bằng nhân viên người Việt Nam, van der Ree cho biết.
Park Hyatt Saigon
- Chủ đầu tư: Công ty Khách sạn Grand Imperial Saigon TNHH.
- Vốn đầu tư: 48 triệu đô la Mỹ.
- Nhà điều hành: Hyatt International Corporation (Mỹ).
Dự án xây dựng khách sạn Park Hyatt Saigon được cấp giấy phép đầu tư ngày 6-7-1994, khởi công vào 1996 và tạm hoãn vào 1997 khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở châu Á. Dự án được phục hồi vào 2002 và hoàn thành vào tháng 7-2005.