Báo cáo mới nhất thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của CBRE cho thấy, vào cuối quý 3/2019, ước tính toàn quốc có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4 sao và 5 sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91.236 phòng.
Với tốc độ tăng trưởng trên 19%/năm, Đà Nẵng, Khánh Hòa là hai thị trường dẫn đầu về nguồn cung khách sạn cao cấp. Hiện mỗi địa phương có khoảng 14.000 phòng. Tiếp theo là TPHCM và Hà Nội với nguồn cung khách sạn cao cấp lần lượt là 10.600 và 7.900 phòng, tuy nhiên tăng trưởng chỉ ở mức 2-4% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Đáng chú ý, trong 5 năm qua, Phú Quốc là địa điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng nhất khi tăng trưởng mức 36% mỗi năm. Hiện số phòng khách sạn cao cấp ở huyện đảo này đã gần bằng nguồn cung ở Hà Nội.
Ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định rằng, trong xu thế ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường để tiếp tục duy trì tăng trưởng,cân nhắc cả những địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Nam Hội An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như đa dạng hóa loại hình sản phẩm và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành.
Cùng với đó, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cũng đa dạng hơn khi xuất hiện những xu hướng mới. Nổi bật hơn hết là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại thị trường Phú Quốc và Hạ Long.
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, hai thị trường này lần lượt có trên dưới 2,000 sản phẩm thuộc loại hình shophouse/shopvilla ven biển, với mức tiêu thụ đạt gần 90%. Hiện, đa số các chủ đầu tư sản phẩm này là những tên tuổi hàng đầu trên thị trường. Điều này giúp khả năng hấp thụ cũng ổn định hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia của JLL Việt Nam cho rằng Phú Quốc là nơi duy nhất ở Việt Nam được miễn thị thực 30 ngày cho tất cả các quốc gia – một động thái nhằm thúc đẩy du lịch giải trí đến đảo. Việc miễn thị thực đã giúp đưa Phú Quốc lên bản đồ của khách du lịch và do đó tạo ra nhiều nhu cầu về các chuyến bay đến đảo.
Hiện tại, có khoảng 6.000 phòng khách sạn và nhà nghỉ ở Phú Quốc. Phần lớn chỗ ở có thể được phân loại là các nhà nghỉ nhỏ, khách sạn tiết kiệm và khách sạn hạng trung do chủ sở hữu tự điều hành. Điều đáng chú ý là ngành khách sạn trong phân khúc cao cấp có thể sẽ gặp thách thức trong ngắn hạn, vì nguồn cung hiện tại sẽ gia tăng bởi những dự ân đáng chú ý của những nhà phát triển mới mới bước vào hoặc đang có ý định tham gia thị trường trong ba năm tới.
Các thị trường chủ chốt bao gồm các nước châu Âu từ Pháp, Đức, Thụy Sĩ, các nước Scandinavia, Anh và Thụy Điển cũng như những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và du khách trong khu vực từ Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Châu, cũng đã chứng kiến sự gia tăng số lượng du khách Trung Quốc đại lục đến đảo.
Ngoài ra, đảo cũng có một số áp lực về cung trên thị trường ngôi nhà thứ hai, đặc biệt là mô hình “condotel”, rào cản nhập cảnh thấp hơn so với một số dự án phát triển bất động sản khác. Thị trường nhà chung cư cao cấp này đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ cách đây hai năm tại Việt Nam, dẫn đến nguồn cung mới tại một số thành phố và khu nghỉ dưỡng ven biển, bao gồm Phú Quốc. Nếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ được cải thiện, cơ hội cho người nghỉ hưu di dời đến những điều kiện sống dễ chịu này có thể cung cấp thêm nhu cầu về chỗ ở này.